Hotline : 0909112233
Vì sao mô hình quản trị gia đình thất bại?

Thương Hiệu

Theo ông Nguyễn Hoàng Văn, CEO thương hiệu Cua Ngon, quản trị doanh nghiệp và quản trị gia đình có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt cần các thành viên trong đó phải thấu hiểu.

Có nhiều doanh nhân lớn, thành công rực rỡ trong sự nghiệp, quản trị doanh nghiệp hàng triệu đô, hàng ngàn nhân sự nhưng lại thất bại trong việc quản trị gia đình của mình và ngược lại có những người rất bình thường nhưng lại có một gia đình thành công, hạnh phúc.

 

Vậy quản trị gia đình có khác với quản trị doanh nghiệp hay không? Tại sao các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm như thế lại thất bại, dẫn đến đổ vỡ gia đình, con cái ly tán? Làm sao để doanh nhân vừa thành công và vừa hạnh phúc trong cả việc quản trị doanh nghiệp và gia đình? Những câu hỏi ấy đang hiện hữu trong mỗi con người và mỗi người có cách lý giải khác nhau.

 

Với kinh nghiệm hơn 15 năm quản trị doanh nghiệp, 12 năm quản trị gia đình tôi tìm thấy cả hai lĩnh vực quản trị đó đều có nhiều nét tương đồng và có vài điểm khác biệt cần thấu hiểu. Những điểm này nếu như chúng ta nhìn nhận được sẽ gây ra những hậu quả không tốt trong quản trị gia đình.

 

Tình yêu, sự đam mê và các giá trị cốt lõi là nền tảng của mọi tổ chức

 

Việc cơ bản nhất để bắt đầu một tổ chức, một gia đình đó là tình yêu, sự đam mê dành cho nhau, cho công việc, cho tổ chức bạn bắt đầu xây dựng. Tình yêu để tiến tới hôn nhân cũng dựa trên các giá trị nền tảng sự phù hợp về văn hoá, hệ tư tưởng và thấu hiểu nhau, cùng khát vọng bên nhau mãi mãi. Sự đam mê khi khởi nghiệp cũng vậy, startup cũng phải được xây dựng trên nền tảng khái niệm về tổ chức (tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi) và có triết lý kinh doanh rõ ràng.

 

Các giá trị này là khái niệm, là nền móng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức, để vài mươi năm sau, gia đình sẽ phát triển thành đại gia đình hạnh phúc và doanh nghiệp có cơ hội trở thành một tập đoàn lớn.

 

Rất nhiều doanh nghiệp không phát triển hay các gia đình tan vỡ là do đánh mất các giá trị nền tảng, không còn tình yêu, sự đam mê thật sự để tạo động lực cho hành động, vựợt qua những khó khăn thử thách. Nếu chúng ta đến với nhau vì cùng tư tưởng thì cũng sẽ chia tay nhau vì sự thay đổi tư tưởng.

 

Chuyện anh Đặng Lê Nguyên Vũ và chị Lê Hoàng Diệp Thảo của cà phê Trung Nguyên là một ví dụ thực tế nhất. Chị Thảo có thể lên báo chí kể về chuyện ngôn tình ngày xưa, khi hai người yêu nhau, kết hôn, khởi nghiệp… Nhưng vài mươi năm sau, anh Vũ và chị Thảo dường như hệ tư tưởng có sự khác biệt lớn và chuyện chia tay nhau như một quả tất yếu.

 

Chuyện đúng sai, hành động có phù hợp không thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu nhưng với góc nhìn của nhà quản trị tôi cho rằng, mọi thứ thay đổi bắt đầu từ trong tư tưởng.

 

Hiểu chưa đúng mục đích của tổ chức và vai trò của người lãnh đạo

 

Mục đích lớn nhất của một đời người là thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống, ít ai trọn vẹn làm được điều này vì để làm được phải hiểu đúng được vai trò của mình trong từng tổ chức, vai trò của người lãnh đạo là cực kì quan trọng.

 

Một vị thuyền trưởng có tầm ảnh hưởng luôn tạo ra lợi thế rất lớn trong việc phát triển tổ chức. Nhưng hiểu thế nào là lãnh đạo và vai trò của lãnh đạo đang là một câu hỏi khó trả lời cho nhiều người đã “ lập gia đình”, một trong những nguyên nhân thất bại trong quản trị gia đình là từ đó.

 

 

Vai trò của người lãnh đạo là người có tầm ảnh hưởng về tư tưởng, duy trì được tổ chức phát triển theo đúng mục đích của nó. Vai trò này có lúc lớn hơn lên để bảo vệ tổ chức với các tác nhân bên ngoài nhưng có thể thu nhỏ lại để các thành viên khác trong tổ chức lớn dần lên.

 

Phần lớn các gia đình Việt, xem thu nhập tài chính là việc quyết định vai trò chủ chốt trong gia đình. Nhiều người vợ có khả năng kiếm tiền nhiều hơn chồng, xem thường vai trò của chồng trong gia đình và việc này dẫn đến con thuyền gia đình bị lái theo hướng thực dụng, thiếu tình thương, và nguy cơ dẫn đến tan vỡ.

 

Ngược lại việc này đặt nặng trên vai người đàn ông, đàn ông thường có quan niệm mình phải là người kiếm nhiều tiền, mang thu nhập chính về gia đình, nên dành phần lớn thời gian cho công việc, chỉ biết mang tiền về nhà, thiếu chăm sóc gia đình, bỏ quên những thói quen để duy trì văn hoá gia đình… và “xa dần tổ chức ấy”.

 

Hành động, văn hoá, tình và lý

 

Nếu tình yêu đôi lứa trước hôn nhân là những lần nhớ nhung hẹn hò, là ánh mắt nụ cười, là nên thơ, mơ mộng… thì tình yêu gia đình là thói quen của những người cùng hệ tư tưởng. Những hành động tạo thói quen tích cực, có mục đích làm cho người khác vui, hạnh phúc, yêu đời, được duy trì một cách nề nếp tạo nên văn hoá gia đình.

 

Văn hoá là giá trị quan trọng mang lại sự gắn kết hạnh phúc cho các thành viên, giúp gia đình phát triển và yêu thương nhau mãi mãi.

 

Doanh nghiệp cũng vậy, mọi mục tiêu cần có kế hoạch hành động rõ ràng, giúp việc thực thi của doanh nghiệp đi đến mục tiêu hiệu quả, đi đúng chiến lược mà doanh nghiệp đã định vị.

 

Những hành động hiệu quả tạo tạo nên những thói quen, nếu quản trị tốt sẽ tạo nên văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là giá trị quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp trở thành một thương hiệu lớn mạnh.

 

Nếu gia đình là tổ chức lấy hạnh phúc là mục tiêu cốt lõi, còn doanh nghiệp lấy hiệu quả kinh tế lợi nhuận là thước đo thành công thì việc quản trị gia đình phải dùng tình cảm là chính, lý lẽ là để dung hoà giáo dục các thành viên gia đình tốt hơn cũng như đảm bảo cuộc sống vật chất theo đúng năng lực của mình.

 

Ngược lại doanh nghiệp phải lấy lý lẽ làm cốt lõi cho mọi quan hệ, giải quyết sự việc theo lý tính, dùng tình cảm làm chất xúc tác để dung hoà, bôi trơn đào tạo nhân sự tốt hơn, phù hợp với văn hoá tổ chức.

 

Với mục đích tồn tại và phát triển khác nhau, vì vậy nếu quản trị gia đình và doanh nghiệp có sự nhầm lẫn giữa lý và tình thì xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc, những trường hợp này xảy ra khá nhiều ở Việt Nam.

 

Chúng ta thường thấy ở các doanh nghiệp gia đình, đơn cử như công ty Tân Hiệp Phát, việc tình và lý lẫn lộn trong việc quản trị giữa doanh nghiệp và gia đình đã xảy ra hậu quả đáng tiếc như, gấy mất mát khá lớn cho thương hiệu.

 

Ở nhiều quốc gia phát triển, để việc quản trị gia đình và doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, các công ty gia đình đều có nguyên tắc rõ ràng trong quản trị, phân rõ giữa vai trò sở hữu và điều hành thành viên gia đình trong thường chiếm tỉ lệ từ 30 - 50%, chỉ để mục đích duy trì văn hoá tổ chức nhưng phải đảm bảo mọi quyết định không theo hướng cảm tính.

 

Tóm lại, quản trị là môn khoa học đầy nghệ thuật, dù quản trị gia đình hay quản trị doanh nghiệp. Nếu chúng ta quản trị nếu thiếu khoa học và không bằng trái tim yêu thương thì sự thất bại luôn hiện hữu trước mắt dù cho bạn là ai.

 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả: Nguyễn Hoàng Văn, CEO thương hiệu Cua Ngon

Nguồn :

Bài viết liên quan